Giá vàng tăng mạnh cùng với nợ công toàn cầu
Giá vàng tiếp tục leo thang mạnh mẽ trong bối cảnh nợ chính phủ ngày càng tăng cao. Tuần này, giá hợp đồng tương lai vàng vốn đã ở mức quá mua về mặt kỹ thuật đã bắt đầu điều chỉnh nhẹ sau khi chạm mốc kỷ lục trên 2700 USD vào tuần trước. Sự điều chỉnh này một phần do hoạt động chốt lời lành mạnh.
Giá vàng tăng mạnh cùng với nợ công toàn cầu
Ngoài ra, đây cũng là tuần lễ “Golden Week” tại Trung Quốc kéo dài đến thứ Hai tuần sau. Kỳ nghỉ lễ lớn này của nền kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời gian này, hầu hết các cửa hàng và đại lý đều đóng cửa, khiến nhu cầu vàng tạm lắng, thường kéo theo một sự giảm nhẹ giá vàng.
Tuy nhiên, vàng vẫn ghi nhận mức tăng quý lớn nhất trong hơn 8 năm qua, nhờ vào những bất ổn địa chính trị, cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất. Trong quý 3, giá vàng tăng 14%, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2016. Tháng 9 vừa qua, giá vàng đã tăng gần 6%, đạt đỉnh 2708,70 USD, chủ yếu nhờ Fed cắt giảm lãi suất, các chính sách hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc và tình hình xung đột leo thang tại Trung Đông.
Bước vào tháng 10, một tháng được dự báo có nhiều biến động, thị trường tỏ ra lo ngại về khả năng xung đột toàn diện giữa Iran và Israel, có thể kéo theo sự can dự của Mỹ và các cường quốc quân sự khác, đúng lúc diễn ra cuộc bầu cử hỗn loạn tại Mỹ.
Sau các căng thẳng ở Trung Đông, Ngân hàng Anh đã công bố một nghiên cứu vào thứ Tư, cho thấy số lượng kỷ lục các ngân hàng xem yếu tố địa chính trị là rủi ro hàng đầu, có thể dẫn đến “những điều chỉnh mạnh” trên thị trường chứng khoán và các thị trường khác.
Trong khi đó, Fed dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 2 điểm phần trăm trong 9 tháng tới, trong bối cảnh chiến tranh tiếp diễn ở Trung Đông và Ukraine khiến các quỹ đầu tư đổ về thị trường chứng khoán Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn.
Dù vậy, thu nhập cá nhân và chi tiêu của người dân Mỹ đang giảm sút, các chỉ số sản xuất lâm vào tình trạng suy thoái. Báo cáo việc làm tháng 9 tại Mỹ ghi nhận số việc làm ngoài nông nghiệp tăng 254.000, vượt kỳ vọng, nhưng tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất gần như không thay đổi.
Tại mức giá hiện tại, thị trường chứng khoán Mỹ đang có rất ít biên độ rủi ro, trong khi các yếu tố rủi ro lại cao hơn bao giờ hết. Chỉ số S&P 500, một trong những chỉ số quan trọng của các tài khoản hưu trí, đang ở mức định giá cao hơn so với lịch sử.
Giới đầu tư vẫn tin rằng Fed sẽ cứu thị trường như đã từng làm trong các cuộc khủng hoảng 2008 và 2020, thông qua các gói QE khổng lồ và lãi suất cực thấp. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng rõ ràng, đà tăng của giá vàng có thể là dấu hiệu cho thấy Fed đã hết “phép màu”.
Vàng đang phát đi tín hiệu rằng, vấn đề lớn nhất là nợ công toàn cầu gia tăng chóng mặt không còn có thể bị phớt lờ. Đầu tuần này, nợ công Mỹ đã tăng vọt thêm 204 tỷ USD trong ngày đầu tiên của năm tài khóa mới, đạt mức kỷ lục 35.669 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng phải rút 72 tỷ USD từ quỹ tiền mặt, khiến tổng số tiền mặt của chính phủ giảm mạnh.
Việc tiếp tục vay nợ ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và niềm tin của các nhà đầu tư. Giá vàng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong hầu hết các đồng tiền lớn là dấu hiệu cho thấy thị trường đang phản ứng trước những căng thẳng địa chính trị và lượng cung tiền cùng với gánh nặng nợ ngày càng lớn, buộc các ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất bất chấp lạm phát thực tế vẫn đang ở mức cao.
Trong khi đó, lãi suất tăng lên đang dần làm giảm hiệu quả của chi tiêu công, đây có thể là lý do chính khiến Fed cắt giảm lãi suất, dù lạm phát thực tế vẫn cao hơn mục tiêu 2%.
Giá vàng tăng 679% kể từ năm 2000, trong khi lạm phát Mỹ tăng 70% trong cùng kỳ. Điều này cho thấy, vấn đề không nằm ở lạm phát, mà là ở sự gia tăng cung tiền và nợ công, gây ra bong bóng tài sản toàn cầu.
Nợ công của Mỹ đã tăng 644% kể từ năm 2000 và mỗi 1,64 USD nợ mới chỉ mang lại 1 USD tăng trưởng GDP.