Một biểu hiệu cho thấy thanh khoản dồi dào là các ngân hàng đã mua 65,1 nghìn tỷ đồng tín phiếu NHNN, đạt mức cao kỷ lục trong khi đó không có vốn đáo hạn, theo đó mức hút ròng của NHNN từ thị trường là 65,1 nghìn tỷ đồng.
Lợi suất trái phiếu trồi sụt
Báo cáo Thị trường trái phiếu của CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) vừa công bố cho thấy, trong tuần qua, lợi suất trái phiếu có sự trồi sụt với lợi suất kỳ hạn ngắn giảm cùng đà giảm của lãi suất trên thị trường tiền tệ trong vài tuần qua. Tuy nhiên kỳ hạn dài lại tăng.
Cụ thể, lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm 0,06% trong tuần vừa qua và giảm 0,11% trong 3 tuần xuống còn 2,56%.
Lợi suất kỳ hạn 5 năm giảm 0,08% và giảm 0,11% trong 3 tuần xuống còn 3,52%.
Trong khi đó, lợi suất kỳ hạn 10 năm là 4,75%, tăng 0,01% so với tuần trước đó và tăng 0,1% trong 3 tuần. Lợi suất kỳ hạn 15 năm là 5,12%, giữ nguyên so với tuần trước đó và tăng 0,09% trong 3 tuần.
HSC cho rằng, đường cong lợi suất dốc hơn cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại một chút về lạm phát trong khi lợi suất kỳ hạn ngắn chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ lãi suất trồi sụt trên thị trường tiền tệ.
Theo đó, HSC giữ nguyên quan điểm, trong kịch bản khả dĩ nhất, là đến cuối năm lợi suất trái phiếu sẽ tăng khoảng 0,5-1%.

Nguồn: Bloomberg
Cụ thể, kỳ hạn 2 năm sẽ tăng 0,25-0,5%; kỳ hạn 5 năm sẽ tăng 0,5-0,75%; kỳ hạn 10 năm sẽ tăng 0,75-1%.
Còn trong kịch bản tăng mạnh nhất, lợi suất sẽ tăng khoảng 0,75-1,5%. Cụ thể, kỳ hạn 2 năm sẽ tăng 0,5-1%; kỳ hạn 5 năm sẽ tăng 0,75-1,25%; kỳ hạn 10 năm sẽ tăng 1-1,5%.
Về giá trị giao dịch (GTGD), trên thị trường trái phiếu trong tuần trước, GTGD bất ngờ đạt mức cao là 29,6 nghìn tỷ đồng, gần gấp đôi so với tuần trước đó và cao hơn 42% so với mức bình quân 52 tuần.
GTGD tăng chủ yếu là ở kỳ hạn dài. Cụ thể, GTGD của kỳ hạn dưới 2 năm là 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4 lần so với tuần trước đó và xấp xỉ mức bình quân. GTGD của kỳ hạn 2-5 năm là 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với tuần trước đó và cao hơn 22% so với mức bình quân.
GTGD của kỳ hạn 5-10 năm là 2,2 nghìn tỷ đồng, giảm 55% so với tuần trước đó và thấp hơn 42% so với mức bình quân. GTGD của kỳ hạn trên 10 năm là 14,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với tuần trước đó và cao hơn 2,5 lần so với mức bình quân.
Tuy nhiên, tổng giá trị hiệu lực hợp đồng repo trong tuần tiếp tục giảm xuống 104 nghìn tỷ đồng (giảm 3 nghìn tỷ đồng).

Nguồn: HNX, HSC
Tuần này là tuần thứ hai liên tiếp, các phiên đấu thầu TPCP diễn ra thành công, với 4,3 nghìn tỷ đồng huy động được trong tổng khối lượng gọi thầu 6 nghìn tỷ đồng.
Thành công này có thể là nhờ sự dồi dào thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khi lãi suất trúng thầu chỉ tăng thêm 0,03% và vẫn thấp hơn lãi suất trên thị trường khoảng 0,4-0,5%.
Giá trị trái phiếu chính phủ phát hành tính đến hiện tại là 69,6 nghìn tỷ đồng. HSC điều chỉnh tăng dự báo về khối lượng TPCP phát hành trong năm nay lên 170 nghìn tỷ đồng (từ 160 nghìn tỷ đồng dự báo trước đó) với thực tế một số phiên đấu thầu thành công gần đây – cao hơn một chút so với năm 2017.
Thanh khoản dồi dào, NHNN hút ròng 65,1 nghìn tỷ đồng

Lãi suất thị trường tiền tệ giảm 0,25-0,6% trong tuần vừa qua cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn được nới lỏng. Điều này phần nào là do các yếu tố thời vụ.
Cụ thể, lãi suất qua đêm là 0,75% (giảm 0,6% trong tuần vừa qua và giảm 1% trong 3 tuần), lãi suất 1 tuần là 0,93% (giảm 0,44% và giảm 0,89% trong 3 tuần).
Lãi suất 2 tuần là 1,26% (giảm 0,25% và giảm 0,61% trong 3 tuần), lãi suất 1 tháng là 1,63% (giảm 0,08% và giảm 0,48% trong 3 tuần).
Một biểu hiệu khác cho thấy thanh khoản dồi dào là các ngân hàng đã mua 65,1 nghìn tỷ đồng tín phiếu NHNN, đạt mức cao kỷ lục trong khi đó không có vốn đáo hạn, theo đó mức hút ròng của NHNN từ thị trường là 65,1 nghìn tỷ đồng. Khối lượng tín phiếu NHNN hiện tại lên tới 143,2 nghìn tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 8/2015.
Theo BizLIVE