Kiến Thức

Tại Sao Vàng Được Xem Như Tiền Tệ?

Chúng ta đều biết rằng vàng đã từng đóng vai trò giống như một loại tiền tệ, tồn tại dưới dạng hình thức là vật ngang giá trung gian được sử dụng để trao đổi hàng hóa. Cho tới ngày nay, tuy không còn phù hợp đóng vai trò như một loại tiền tệ nữa nhưng vàng vẫn luôn là tài sản có giá trị và có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiền tệ. Vậy tại sao vàng được xem như tiền tệ như thế? Hãy để Giavang bật mí cho bạn tất tần tật những thông tin về vai trò tiền tệ của vàng trong bài viết sau nhé!

1. Tiền hàng hóa

Tiền được phát minh bởi thiếu sót của việc trao đổi hàng hóa – hành động trao đổi trực tiếp một hàng hóa hoặc dịch vụ với một hàng hóa hay dịch vụ khác.

Hàng hóa – những mặt hàng có nhu cầu nhất quán trên diện rộng – được nhiều người săn đón. Những mặt hàng đặc biệt này có thể được giao dịch để có nhiều lựa chọn hàng hóa hơn vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Do đó, một số hàng hóa nhất định có được giá trị tiền tệ. Vỏ ốc tiền từng được xem là một dạng tiền hàng hóa phổ biến ở các khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương,

Khi thuộc địa New South Wales được thành lập vào năm 1788, các cơ quan chức năng nhận thấy tiền bạc là thứ không cần thiết. Chính sách này đã dẫn đến việc dùng rượu rum (rượu mạnh) làm tiền tệ. Cũng như vỏ sò và rượu, các mặt hàng được sử dụng làm phương tiện trao đổi bao gồm lúa mạch, muối, hạt tiêu, chè, hạt ca cao, lụa, bạc và vàng.

Trong những hàng hóa trên, bạc và vàng là thứ được chấp nhận rộng rãi nhất, do đó chúng được nhiều người xem là tiền tệ.

Tiền hàng hóa
Tiền hàng hóa

2. Vậy tại sao Vàng được xem như tiền tệ?

Một số người tranh luận vàng có rất ít hoặc không có giá trị nội tại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự hiếm có và vẻ đẹp tương đối của nó đã làm say lòng nhân loại trong nhiều thiên niên kỷ.

Trong cuốn sách The Power of Gold, Peter L. Bernstein tuyên bố rằng: “Vàng đã thúc đẩy toàn bộ xã hội, xé vụn mọi nền kinh tế, quyết định số phận của các vị vua và hoàng đế, truyền cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, kích động con người làm những điều tồi tệ với nhau, và gieo hi vọng cho những ai chịu khó khăn khắc nghiệt để kiếm được sự giàu và loại bỏ những ngập ngừng lo âu”.

Chừng nào tiềm thức của con người vẫn còn ghi nhớ, thì vàng vẫn sẽ luôn là thứ tượng trưng cho quyền lực và sự giàu có, chắc chắn chúng ta đều đồng ý rằng vàng luôn có giá trị và sẽ còn như thế trong tương lai.

Những đồng tiền vàng đầu tiên trên thế giới đã từng xuất hiện ở Lydia vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Vương quốc cổ đại Anatolian đã nhận thấy các thuộc tính quan trọng khác của vàng và sử dụng chúng để làm tiền xu. Vàng đủ dẻo để dễ gia công, chống xỉn màu và không thể phá hủy.

Là ví dụ điển hình cho tiền hàng hóa, giá trị của vàng thường liên quan tới trọng lượng và hàm lượng kim loại quý bên trong chúng.

3. Tiền đại diện

Ý tưởng về một loại ‘tiền đại diện’ đã xuất hiện ở châu Âu trong thế kỷ 17. Nguồn gốc của nó nằm trong chính biên lai mà thợ kim hoàn cấp cho những ai đã gửi tiền cho họ. Những kỳ phiếu này không chỉ có thể đổi ra được kim loại thật, mà còn trở thành một phương thức thanh toán vô cùng thuận tiện.

Năm 1694, Ngân hàng Trung ương Anh là ngân hàng đầu tiên ra mắt những loại giấy có in ấn với khả năng trao đổi thành giá trị của vàng thật.

Vào cuối thế kỷ 19, nhiều loại tiền giấy trên thế giới được ấn định theo lượng ounce vào nhất định nào đó. Hệ thống tiền tệ quốc tế này được gọi là bản vị vàng.

Mặc dù việc sử dụng vàng như một phương tiện quốc tế để định giá tiền tệ là hữu ích trong việc ổn định tỷ giá hối đoái để trao đổi thương mại, nó cũng hạn chế khả năng in tiền theo ý muốn của các chính phủ.

Nick Liondis đã từng nói, “Bản vị vàng là một chế độ vô cùng hấp dẫn, bởi nó ngăn chặn quyền phát hành tiền bạc từ những người không hoàn hảo. Với số lượng vàng vật chất sẽ giúp giới hạn lượng tiền giấy được phát hành, xã hội có thể tuân theo một vài quy tắc đơn giản để tránh lạm phát ”.

Tuy nhiên, nhu cầu sở hữu tiền giấy ngày càng tăng đã khiến bản vị vàng chịu nhiều áp lực trong thế kỷ 20. Các ngân hàng lúc này không nắm giữ đủ vàng để phát hành tiền giấy, đi kèm với sự nỗ lực bất thành trong việc cải cách hệ thống kinh tế sau Thế chiến thứ hai đã khiến Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố ngừng chuyển đổi USD sang vàng vào năm 1971.

4. Tiền pháp định (Fiat)

Kỷ nguyên mới là lúc “tiền pháp định” lên ngôi. Fiat trong tiếng Latinh có nghĩa là “hãy để nó được hoàn thành”, và được biết đến trong thời kỳ hiện nay như là một “sắc lệnh” hoặc “mệnh lệnh”.

Kể từ thời điểm này, các loại tiền tệ chính của thế giới không còn được liên kết với hàng hóa vật chất nữa, chúng được xác định bởi ý chí (và mức độ tín nhiệm) của các chính phủ đã ban hành chúng.

Fiat tăng cường khả năng của các chính phủ trong việc kích thích nền kinh tế của họ bằng cách tăng cung tiền – chỉ đơn giản bằng cách in thêm giấy bạc hoặc thông qua các biện pháp như nới lỏng định lượng, vốn được mô tả là tạo ra tiền từ không khí loãng.

Tuy nhiên, nguồn cung tiền tệ tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thực sẽ dẫn tới lạm phát- Sức mua của tiền tệ bị suy giảm qua từng ngày.

5. Lời nguyền lạm phát

Lịch sử có rất nhiều ví dụ về các loại tiền tệ đã trở thành nạn nhân của lạm phát cực đoan- trong số đó có đồng mác Đức, đồng pengő của Hungary và đồng đô la Zimbabwe đã trở thành những thứ không có giá trị khi giá cả tăng trưởng chóng mặt.

Ngay cả USD hùng mạnh cũng không tránh khỏi tác động của lạm phát. Kể từ năm 1971, tờ tiền xanh này đã mất một lượng lớn sức mua. Theo Inflationtool.com, lạm phát trung bình hàng năm ở Mỹ trong thời kỳ này là 3,97%, nghĩa là 100 USD vào năm 1971 sẽ tương đương với 729.33 USD ngày nay.

Đây là vấn nạn cực kỳ nghiêm trọng đối với những người tiết kiệm và các nhà đầu tư. Không những thế, nó còn thách thức một trong ba định nghĩa về tiền trong quá khứ với quan điểm “tiền phải là một kho lưu trữ giá trị lâu dài”.

Như George Selgin đã từng viết: “Nếu cứ khăng khăng rằng tiền phải đóng vai trò như một ‘kho lưu trữ giá trị’… thì ta phải đặt ra câu hỏi là: điều gì nói rằng đồng mác Đức phải là một ‘kho lưu trữ giá trị’ ở Đức vào mùa thu năm 1923?”

6. Thời điểm vàng tỏa sáng

Theo quan điểm trên thì tiền pháp định sẽ không được coi là một loại tiền tệ. Nhưng ngay cả khi bản thân nó không hề có giá trị, tiền pháp định vẫn tiếp tục được coi là một đơn vị tài khoản và phương tiện trao đổi.

Mặt khác, vàng – thứ vốn được coi là tiền tệ trong một thời gian dài – không còn giữ được hai đặc tính trên. Bạn sẽ khó có thể mua một thứ nào đó bằng đồng vàng khi sống trong xã hội hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, giá trị của vàng vẫn còn lưu giữ được đặc tính của một kho lưu trữ giá trị với một bề dày lịch sử hào hùng.

The Golden Constant của Roy Jastram là một trong những bài nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Được xuất bản lần đầu vào năm 1977, bài nghiêm cứu đã theo dõi sức mua của vàng từ năm 1560 ở Anh và từ năm 1800 tại Mỹ. Nhà cố vấn kinh tế Jill Leyland, người đã cập nhật bài nghiên cứu để có cái nhìn sâu sắc hơn vào thế giới sau năm 1971, cho biết đây là: “Bảng thống kê đầu tiên về tài sản của vàng như một hàng rào chống lạm phát trong nhiều thế kỷ.”

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới – những tổ chức đã thay thế vàng với tiền giấy- hiểu rất rõ điều này, bằng chứng là họ tiếp tục duy trì xu hướng mua vàng với tần suất cao nhất trong 30 năm. Như Ngân hàng De Nederlandsche thường được trích dẫn: “Một thỏi vàng luôn giữ nguyên giá trị của nó. Khủng hoảng hay không. Vàng luôn mang lại cảm giác an toàn. Do đó, việc một ngân hàng trung ương đang nắm giữ vàng là tín hiệu rất đáng tin cậy”.

Giá trị của vàng
Giá trị của vàng

7. Chúng ta kết luận được gì?

Từ những cuộc thảo luận ở trên, ta có thể kết luận rằng:

  • Thời đại tiền giấy được sử dụng như một phương tiện trao đổi dễ dàng, được cả thế giới công nhận và chấp thuận sẽ còn tiếp tục kéo dài.
  • Việc tiền pháp định bị thao túng và thất bại là điều không thể tránh khỏi.
  • Kể từ năm 1971, giá vàng đã lênh đênh so với các loại tiền tệ toàn cầu và sẽ tăng trưởng bất cứ khi nào tiền tệ suy yếu.
  • Mặc dù không còn được xem là một loại tiền tệ chính thống, vàng vẫn được sử dụng như một phương tiện chống lại lạm phát hiệu quả.

Những đặc điểm trên đã củng cố vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Trong trường hợp tệ nhất, vàng vẫn đóng vai trò như một loại bảo hiểm chống lạm phát và những bất ổn toàn cầu. Trong trường hợp tốt nhất, vàng là một chiến lược đa dạng hóa tài sản để quản lý rủi ro hiệu quả.

Kim loại vàng đã giúp duy trì vai trò của tiền tệ trong một khoảng thời gian dài từ thời cổ đại cho đến những năm 70s của thế kỷ 20. Điều này chứng tỏ rằng giá trị của vàng và tác động to lớn của nó lên nền kinh tế. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, Giavang sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ được lý do tại sao vàng được xem như tiền tệ mà không phải là những kim loại khác trên thế giới.

Xem thêm
Back to top button