Giá vàng được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất giảm và nhu cầu từ các ngân hàng trung ương không ngừng tăng cao. Đây là nhận định từ Lina Thomas, chiến lược gia hàng hóa của Goldman Sachs Research.
Giá vàng có thể tiếp tục tăng mạnh đến năm 2025
Theo Thomas, từ năm 2022 đến nay, giá vàng đã tăng 40% ngay cả khi lãi suất tại Mỹ tăng cao. “Đây là điều rất bất thường. Thông thường, lãi suất cao sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng, bởi vàng không mang lại lãi suất như trái phiếu,” Thomas cho biết trong một cập nhật mới vào ngày thứ Hai.
Mối quan hệ này đã thay đổi đáng kể từ đầu năm 2022, sau khi Mỹ và các nước phương Tây đóng băng, thậm chí tịch thu, tài sản ngân hàng trung ương Nga để phản ứng với việc Nga xâm lược Ukraine.
“Điều này đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho các ngân hàng trung ương trên toàn cầu,” Thomas giải thích. “Họ bắt đầu đa dạng hóa dự trữ, chuyển dần khỏi đồng đô la Mỹ và hướng tới một tài sản không thể bị đóng băng – đó chính là vàng.”
Hành động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ giá vàng ngay cả khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn từ những tài sản khác. “Chúng tôi không thấy nhu cầu từ các ngân hàng trung ương sẽ giảm,” Thomas nhấn mạnh. “Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành giảm lãi suất, vàng đang dần thu hút trở lại sự quan tâm từ các nhà đầu tư.”
Vào ngày 18/11, các nhà phân tích hàng hóa tại Goldman Sachs tiếp tục khẳng định dự báo giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025.
Mặc dù chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử và các chính sách “Ưu tiên nước Mỹ” của ông đã khiến một số nhà đầu tư bán tháo vàng để chốt lời, Goldman Sachs cho rằng các yếu tố thúc đẩy giá vàng đạt mức kỷ lục vẫn chưa biến mất.
“Động lực chính nằm ở nhu cầu gia tăng từ các ngân hàng trung ương, trong khi sự phục hồi chu kỳ sẽ đến từ dòng vốn đổ vào các quỹ giao dịch vàng (ETFs) khi Fed cắt giảm lãi suất,” các nhà phân tích cho biết.
Dù lượng mua vàng của ngân hàng trung ương có giảm trong quý III, Goldman Sachs dự báo nhu cầu vẫn sẽ ổn định trong thời gian tới khi các quốc gia tiếp tục đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Ngoài ra, việc nợ công của Mỹ ngày càng tăng có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương đẩy mạnh việc mua vàng. Các chính sách của Tổng thống Trump, mặc dù tạo ra áp lực lên giá vàng trong ngắn hạn, có thể trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho giá vàng đến năm 2025.
“Việc căng thẳng thương mại leo thang có thể khiến các nhà đầu tư quay trở lại vàng với tâm lý đầu cơ mạnh mẽ,” các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định.