
Giá vàng vượt mốc 3.400 USD/ounce: Làn sóng tháo chạy khỏi tài sản Mỹ ngày càng mạnh
Thị trường vàng toàn cầu vừa chứng kiến một cú bứt phá ấn tượng, khi giá vàng giao ngay thiết lập mức kỷ lục mới ở 3.413,84 USD mỗi ounce – đánh dấu lần thứ ba trong tháng, giá tăng gần 3% chỉ trong một phiên.
Giá vàng vượt mốc 3.400 USD/ounce
Ngay từ thời điểm thị trường châu Á mở cửa đầu tuần, lực mua đã dâng cao và kéo dài sang phiên giao dịch Bắc Mỹ. Điều đáng chú ý là các ngưỡng cản kỹ thuật gần như không thể ngăn cản đà tăng mạnh mẽ của kim loại quý này. Vàng hiện chỉ còn cách mốc cao nhất trong lịch sử trước đó theo lạm phát được ghi nhận vào tháng 1/1981 – chưa đến 40 USD.
Giới đầu tư toàn cầu đang thể hiện sự thận trọng cao độ trước các biến động địa chính trị, chiến tranh thương mại và những dấu hiệu bất ổn trong chính sách điều hành kinh tế của Hoa Kỳ. Tâm lý “né rủi ro” khiến nhà đầu tư dần rút khỏi tài sản định giá bằng đồng USD và đồng thời gia tăng tỷ trọng nắm giữ vàng.
Các quỹ ETF vàng ghi nhận dòng vốn kỷ lục
Điểm đáng chú ý là quỹ SPDR Gold Shares – quỹ ETF vàng vật chất lớn nhất thế giới lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 100 tỷ USD tài sản ròng. Điều này cho thấy niềm tin vào vàng đang đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, giữa lúc đồng đô la Mỹ mất dần sức hút.
Đồng USD suy yếu, lãi suất trái phiếu chưa đủ sức giữ chân nhà đầu tư
Đồng bạc xanh tiếp tục giảm sâu khi chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) tụt xuống còn 98,40 – mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022. Mặc dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn đứng vững trên mốc 4,4%, nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi xét đến những rủi ro về lòng tin vào chính sách tài chính – tiền tệ của nước này.
Đặc biệt, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ về việc muốn thay thế Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tạo ra những lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương, một yếu tố quan trọng đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu điều này xảy ra, đó sẽ là “giọt nước tràn ly” làm suy giảm niềm tin toàn cầu vào năng lực điều hành của chính quyền Washington.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: căng thẳng leo thang
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục gia tăng. Trung Quốc không chỉ cắt giảm mạnh nhập khẩu dầu từ Mỹ, mà còn chủ động đẩy mạnh giao thương với các quốc gia khác như Canada và Brazil để giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Những động thái này được đánh giá là đòn phản công chiến lược trong cuộc chiến thương mại kéo dài chưa có hồi kết.
Giá vàng có thể tiếp tục lập đỉnh mới?
Các chuyên gia thị trường nhận định rằng đà tăng lần này của vàng là kết quả của một chu kỳ điều chỉnh tích cực, khởi phát sau khi kim loại quý phục hồi từ vùng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng vào đầu tuần trước. Nhà phân tích trưởng Alex Kuptsikevich từ FxPro đánh giá, động lực hiện tại có thể tạo tiền đề cho việc giá vàng chạm ngưỡng 3.500 USD/ounce trong thời gian ngắn nhưug nếu tâm lý thị trường tiếp tục nghiêng về các tài sản an toàn.
Trong khi đó, theo ông Eric Strand (nhà sáng lập quỹ đầu tư AuAg Funds) cho rằng giá vàng hiện tại vẫn chưa phản ánh đúng giá trị nội tại, nhất là khi xét trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng. Ông cho rằng mức dưới 4.000 USD/ounce vẫn là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, bà Thu Lan Nguyễn – trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối và hàng hóa tại Commerzbank – cho rằng trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ phải xem xét giảm lãi suất với mục đích thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách này có thể sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho giá vàng, khi niềm tin vào các công cụ tiền tệ truyền thống ngày càng suy yếu.